CHUYÊN ĐỀ Về quản trị hoạt động giáo dục trẻ trong trường mầm non
Lượt xem:
UBND THỊ XÃ ĐỨC PHỔ
TRƯỜNG MN PHỔ AN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
CHUYÊN ĐỀ
Về quản trị hoạt động giáo dục trẻ trong trường mầm non
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Hệ thống giáo dục của nước ta đã có những thay đổi cơ bản. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với những thay đổi của hệ thống, các cơ sở giáo dục phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản trị nhà trường thích ứng để phát triển. Thông tư 52/2020/TTBGDĐT đã ban hành Điều lệ trường mầm non quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng trường mầm non, đồng thời, Thông tư 25/2018/TT-BGD-ĐT ban hành Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non quy định tiêu chuẩn thứ 2 của hiệu trưởng đó là quản trị nhà trường.
Thường xuyên đổi mới quản trị sẽ đem lại những khả năng phát triển vô cùng to lớn đối với nhà trường. Quản trị gắn kết nhà trường với các bên liên quan: Hoạt động quản trị trong trường mầm non đòi hỏi phải thiết lập mối quan hệ với các bên liên quan trong và ngoài trường. Các bên liên quan này có vai trò khác nhau, tùy theo vị trí của họ trong hệ thống quản trị của nhà trường. Nếu ở trong nội bộ nhà trường, đó là giáo viên và học sinh. Còn nếu ở ngoài nhà trường, đó là phụ huynh, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và Nhà nước. Mục tiêu của quản trị nhà trường hiệu quả là hướng tới xây dựng các giá trị cốt lõi của nhà trường. Các giá trị cốt lõi này là những giá trị tinh thần vô giá mà bất cứ thành viên nào của nhà trường đều phải giữ gìn, phát huy.
Xây dựng các giá trị cốt lõi sẽ làm tăng sự đồng thuận và hạn chế những bất đồng bên trong nhà trường. Khi tất cả các thành viên của nhà trường cùng hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển nhà trường thì mọi lực cản trong nhà trường sẽ bị triệt tiêu, mọi động lực phát triển của nhà trường sẽ được khơi dậy. Sự đồng thuận giúp cho nhà trường ổn định và phát triển.
- NỘI DUNG
2.1 Quản trị hoạt động giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ trong nhà trường mầm non:
Hoạt động giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là công việc quan trọng nhất của các trường mầm non để đảm bảo chất lượng chuyên môn, sự tồn tại và phát triển của nhà trường: Quản trị xây dựng kế hoạch giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ của nhà trường; Quản trị phát triển chương trình giáo dục nhà trường; Quản trị tổ chức hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ; Quản trị việc đánh giá sự phát triển của trẻ theo chuẩn. Quản trị cơ cấu tổ chức, nhân sự: Quản trị cơ cấu tổ chức, nhân sự là việc nhà nước trao quyền cho các trường mầm non được quyền thiết lập cơ cấu bộ máy, tuyển dụng hoặc sa thải cán bộ, viên chức của nhà trường.
Hỗ trợ, kiểm soát việc thực hiện quy chế chuyên môn tại trường, đào tạo cầm tay chỉ việc với những giáo viên mới để bắt kịp và thường xuyên rà soát chất lượng chuyên môn.
Quản trị nhân sự, đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường mầm non thường gồm các công việc: Quy hoạch tổng thể, đưa ra định hướng chung về tuyển chọn, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhà trường, định hướng chính sách thu hút nhân tài, tạo ra thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh, giúp nhà trường trở thành nơi người khác muốn đến phỏng vấn, ứng tuyển và làm việc.
Quản trị tài chính, cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi và công nghệ dạy học: Các nguồn lực cần thiết trong vận hành và quản trị trường mầm non như tài chính, cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi, công nghệ dạy học cần được quản trị một cách bài bản, hệ thống để hỗ trợ cho đội ngũ nhân sự thực hiện tốt công tác chuyên môn là hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Quản trị tài chính trong giáo dục là chính sách sử dụng tiền tệ, quản trị tiền tệ theo các quy định về tài chính do nhà nước ban hành.
Bên cạnh nguồn lực tài chính, nhà trường còn cần trang bị cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, đồ dùng, đồ chơi để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ của nhà trường. Quản trị các điều kiện hỗ trợ hoạt động giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ: Quản trị vận hành nhà trường là việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát các dữ liệu liên quan tới: Dịch vụ học đường, cơ sở vật chất, công tác vận hành bếp ăn, y tế học đường, đồng phục học sinh, nguyên vật liệu phục vụ dạy học của giáo viên, các đơn hàng, hợp đồng với đối tác, quản trị tồn kho, công tác bảo vệ, an ninh, vệ sinh trường học…
2.2 Quản trị hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ:
Quản trị hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ là khả năng nhận diện các lĩnh vực trọng yếu để xây dựng kế hoạch thanh tra định kì và đột xuất, xây dựng “kỷ yếu thanh tra, giám sát” để đào tạo và thực hành các hoạt động giám sát, kiểm soát toàn diện, sâu rộng.]
Quản trị vấn đề giải trình xã hội: Phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường mầm non chính là một trong những xu thế mới của giáo dục hiện nay khi thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản trị nhà trường: từ mô hình nhà trường tuân thủ sang mô hình tự chủ, dân chủ. Điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện thành công chương trình là nhà trường được tự chủ về chuyên môn, nhân sự và tài chính – đây cũng là 03 trong số các nội dung cần thiết của công tác quản trị nhà trường. Phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình chính là sự tái phân bổ quyền lực theo hướng nhà nước giao một số quyền quyết định cho nhà trường trong các lĩnh vực chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, vận hành…
Với niềm tin rằng nhà trường sẽ có điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ hơn, có quyền đưa ra quyết định phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn. Đó là một phương thức quản lý, quản trị nhà trường mầm non nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giáo dục, chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Để thực hiện mô hình quản trị nhà trường tự chủ, trách nhiệm giải trình cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa: Nhà trường – cơ quan quản lý giáo dục; Nhà trường – cộng đồng địa phương xung quanh; Nội bộ các mối quan hệ trong nhà trường. Cùng với việc thực hiện tự chủ, trách nhiệm giải trình, dân chủ trong trường mầm non thì việc công khai minh bạch các hoạt động của nhà trường trong công tác quản trị nhà trường là một yếu tố quan trọng và dường như không thể thiếu.
Mục đích của việc thực hiện công khai, minh bạch các cam kết, các hoạt động của trường mầm non về chất lượng; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dạy trẻ; Về thu chi tài chính… Là để phụ huynh, học sinh, các cán bộ, giáo viên trong trường mầm non cũng như ngoài xã hội tham gia giám sát và đánh giá các hoạt động quản trị của nhà trường theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc thực hiện công khai, minh bạch của nhà trường cũng sẽ nhằm phát huy tính dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm (trách nhiệm giải trình) của trường mầm non trong công tác quản trị nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dạy trẻ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Quản trị vấn đề giải trình xã hội chính là việc trường mầm non thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về cam kết chất lượng và chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ thực tế đạt được; các điều kiện, nguồn lực hỗ trợ đảm bảo chất lượng; Công khai các thông báo tài chính, mức học phí, khoản phí hỗ trợ khác mà phụ huynh, học sinh cần nộp, hỗ trợ của nhà trường… Đảm bảo không có thắc mắc, phàn nàn, khiếu nại từ phía phụ huynh học sinh và cộng đồng xã hội.
- KẾT LUẬN
Việc xác định đúng các nguyên tắc, nội dung quản trị trong trường mầm non sẽ giúp cán bộ quản lý giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng xác định rõ nhiệm vụ của mình nhằm góp phần thực hiện thành công đổi mới giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay.
HIỆU TRƯỞNG
Nguyễn Thị Xuân Diệu